Hoạt động Nhà_ngục_Đăk_Mil

Sinh hoạt của tù nhân

Hàng ngày việc làm của các chiến sĩ là đan lát thúng, nia và đóng gạch[6], đêm về ngủ trong tư thế bị cùm, bữa ăn hàng ngày là gạo mục và cá thối. Ốm đau, ghẻ lở, đói rét trở thành "bạn đồng hành" của các tù nhân nơi đây[7].

Đầu năm 1942, các chiến sĩ tổ chức được cái tết đầu tiên trong ngục, đòi hỏi phải được nghỉ 3 ngày, được diễn tuồng, ngâm thơ, đánh cờ tướng, tổ chức đón tết… và được trang trí câu đối tết:

" Tối ba mươi vắng mặt múa trò hề

Để thấy vênh vang điều giục họ

Sáng mồng một tổ sân xoay cờ tướng

Tây vào ngơ ngác cũng xa va.

(trích theo lời kể của đồng chí Lê Nam Thắng, nguyên là thiếu tướng tư lệnh quân khu Thủ Đô)[8].

Vượt ngục

Vào khoảng cuối tháng 6 – 1942, lò gạch đầu tiên đốt xong 40.000 viên, đun trong thời gian 4 ngày và để 10 ngày sau ra lò thì hầu hết gạch bị vỡ vụn, chỉ còn lại 2.000 viên là nguyên vẹn. Thực hiện đúng chủ trương của Ban chỉ đạo Nhà ngục, các chiến sĩ đã thành công trong việc phá lò gạch (bằng cách khuấy muối vào nước suối trộn với đất, khi gạch còn sống thì bình thường nhưng khi nung chín thì vỡ vụn; để có muối, trước ngày đi làm gạch họ liên hệ với đồng chí Thuần - phụ trách bếp lấy muối giấu vào người, ra đến công trường lén bỏ muối vào nước để trộn chung với đất đóng gạch).[9]

Ngoài hoạt động phá rối gây thất bại kế hoạch mở rộng Nhà ngục của thực dân Pháp, Ban chỉ đạo Nhà ngục Đăk Mil còn âm thầm nghiên cứu và đề ra các kế hoạch tổ chức vượt ngục. Ngoài việc lựa chọn người, chuẩn bị vật dụng thì các chiến sĩ còn phải nghiên cứu tình hình địa phương và học thêm tiếng dân tộc địa phương (M'nông, Êđê...)

  • Vượt ngục lần thứ nhất

Cuộc vượt ngục thứ nhất của bốn đồng chí: Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Doánh và Chu Huệ. Để đánh lừa được Cai ngục và lính canh với chế độ kiểm tra nghiêm ngặt, cứ 30 phút lính đi kiểm tra tù nhân một lần dọc theo sạp nằm, đếm từng bàn chân trong cùm.

Các chiến sĩ từ lâu đã chuẩn bị những bàn chân giả bằng gỗ, mỗi ngày bẫy cùm ra một chút để dễ dàng rút chân ra khi hành sự.

Vào một đêm tối trời mùa đông, sau đợt kiểm tra chân tù nhân lần đầu trong đêm, họ liền rút chân ra khỏi cùm và thế vào đó bàn chân gỗ, phía trên ngụy trang bằng cách đắp kín chăn và sau đó ra thẳng cửa chính trốn thoát. Đến sáng hôm sau khi điểm danh, phát hiện thì họ đã đi xa, ngoài vùng kiểm soát của Cai ngục.

Đây là cuộc vượt ngục đầu tiên của tổ chức tù chính trị trong Nhà ngục Đăk Mil [10]

  • Vượt ngục lần thứ hai

Cuộc vượt ngục lần thứ hai của ba đồng chí: Nguyễn Khải (Nguyễn Tuy), Trần Tống và đồng chí Nhân. Sau khi đã nghiên cứu, tìm tòi nhiều điểm sơ hở trong việc quản lý nhà tù, Ban lãnh đạo Nhà ngục đã bố trí 3 đồng chí trên trốn ra ngoài bằng cách chui trước vào bồn đi lấy nước có nắp đậy. Ngày hôm sau như thường lệ các chiến sĩ vẫn đẩy xe bò ra suối lấy nước, trên đường đi ta âm thầm rút chốt xe vứt dọc đường rồi hô là bị rớt mất chốt

phải quay trở lại tìm. Sợ tù trốn thoát, lính gác phải đi theo canh gác 4 người đẩy xe nước này. Đây chính là lúc các đồng chí Tống, Khải, Nhân chui ra khỏi bồn nước chui vào rừng và cũng có nghĩa là 3 người đã thoát khỏi nhà ngục. Tuy nhiên 4 đồng chí là Hãng, Mai, Diệp và Liễn đã bị bắn chết (6-1943) rồi vứt xác vào rừng trên đường về Nhà đày Buôn Ma Thuột vì họ bị nghi là bốn đồng chí đã tổ chức cho cuộc vượt ngục này.[10]